Vì sao VIB Bank sử dụng ứng dụng điện toán đám mây của IBM?
IBM vừa mới công bố Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã lựa chọn các giải pháp điện toán đám mây của hãng để sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao tính linh hoạt trong kinh doanh…
Môi trường đám mây này có thể mở rộng theo nhu cầu, mang lại tính linh hoạt, hiệu năng cao. |
VIB hiện có trên 160 chi nhánh, hơn 3500 nhân viên. Cơ sở hạ tầng hiện tại dù liên tục được nâng cấp nhưng vẫn không tránh khỏi những áp lực lớn về sức mạnh điện toán, đặc biệt trong tương lai gần khối lượng dữ liệu ngân hàng ngày càng gia tăng.
Trước thực tế trên, nhằm giải bài toán xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT năng động và hiệu quả, để cải tiến các hoạt động, VIB đã kết hợp với IBM và đối tác kinh doanh của IBM triển khai một giải pháp điện toán đám mây ảo hóa, dựa trên các hệ thống IBM PureFlex System Express, IBM System Storage và phần mềm IBM SmartCloud Entry.
Môi trường đám mây này có thể mở rộng theo nhu cầu, mang lại tính linh hoạt, hiệu năng và tính kinh tế mà VIB cần để hỗ trợ kế hoạch tăng trưởng trong tương lai.
Sau 4 tháng triển khai, VIB đã tập trung hóa máy chủ được 90%, cắt giảm 76% chi phí cho các yêu cầu về điện năng và làm mát, và thu hẹp diện tích xếp rack máy chủ tới 81%. Các năng lực điện toán mới cũng nâng cao tính sẵn sàng và hiệu quả của ứng dụng, chẳng hạn như cắt giảm thời gian xử lý batch hàng ngày tới 50%, từ 180 phút xuống còn 90 phút.
Giải pháp IBM PureFlex System Express bao gồm các node điện toán IBM Flex System x240 và IBM Flex System p260 chạy phần mềm VMware, nhằm quản lý các tải công việc không đồng nhất và cung cấp một nền tảng điện toán đám mây cho bộ phận Dịch vụ Công nghệ Kinh doanh của ngân hàng.
VIB cũng sử dụng phần mềm Quản lý Phục hồi Trung tâm dữ VMware vSphere Site Recovery Manager để hỗ trợ một hệ thống đĩa IBM Storwize V7000, nhằm phục hồi các ứng dụng một cách khẩn trương và tin cậy trong trường hợp xảy ra sự cố.
“Việc triển khai điện toán đám mây tại VIB là một phần quan trọng trong chiến lược đổi mới công nghệ của VIB so với mô hình ngân hàng truyền thống. Chúng tôi đã sẵn sàng đón nhận các xu thế hiện đại như ngân hàng di động hay kinh doanh trên mạng xã hội, nhằm chủ động đáp ứng các nhu cầu của khách hàng về một ngân hàng hiện đại, thân thiện và tiện ích”, ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc VIB phát biểu.
Theo bà Trần Mai Hương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp khu vực miền Bắc, IBM Việt Nam, vài năm trở lại đây, công nghệ điện toán đám mây đã nhanh chóng trở thành một yêu cầu chiến lược của các tổ chức, doanh nghiệp. Cho dù là điện toán đám mây riêng để lưu trữ các dữ liệu nhạy cảm về khách hàng, đám mây chung dành cho các ứng dụng tương tác với khách hàng, hoặc đám mây lai là sự kết hợp giữa cả hai loại hình, các môi trường điện toán đám mây mang lại sự uyển chuyển cần thiết để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của từng tổ chức tài chính, ngân hàng. Giải pháp điện toán đám mây của IBM biến các hệ thống ngân hàng thành một cơ sở hạ tầng dựa trên dịch vụ, có thể mở rộng theo tốc độ phát triển của ngân hàng và cung cấp năng lực điện toán mạnh mẽ mà các tổ chức tài chính, ngân hàng hiện đại cần có.”
Theo các nhà phân tích thị trường quốc tế, đến năm 2016, hơn 60% các ngân hàng trên thế giới sẽ xử lý phần lớn các giao dịch trên nền tảng điện toán đám mây. Ở Việt Nam, IBM đang hợp tác với các ngân hàng hàng đầu để xây dựng môi trường CNTT năng động, hỗ trợ đắc lực cho chiến lược kinh doanh.