Ngành công nghiệp game nước ngoài được hưởng nhiều ưu đãi - VDO
Ở Việt Nam, sở dĩ quản lý game còn gặp nhiều khó khăn cũng như các vấn đề gây tranh cãi là vì quan niệm về game có nhiều phần lạc hậu. Trong khi đó, ở các nước có nền công nghiệp game trên dưới gần 40 năm, game được xem như sản phẩm sở hữu trí tuệ, một mặt hàng, tức là có tính thương mại, có thể giao dịch được và do đó, đánh thuế được.
Chuyện đánh thuế game ở nước ngoài với tính chất là hàng hóa không có gì lạ, nhưng vì tính chất của game và quan niệm xã hội có sự thay đổi, nhiều người đòi hỏi phải có một loại thuế đặc biệt cho game. Tuy vậy, trong suốt một thời gian dài điều này vẫn chưa thành hiện thực do có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Game ở nước ngoài chịu những loại thuế gì
Để tìm hiểu xem một game ở nước ngoài giá 60 USD phải chịu những loại thuế gì, chúng ta hãy cùng kiểm tra xem trong quá trình game đến tay người chơi, số tiền 60 USD đó sẽ phải chi trả cho những khoản tiền nào.
Từng có một thời, game là loại hình giải trí rất rẻ do được thiết kế bởi các nhóm nhỏ hay cá nhân không có nguồn vốn dồi dào trong tay. Mọi việc thay đổi hoàn toàn khi những chiếc console đời mới hơn, với sức mạnh lớn hơn, hỗ trợ nhà phát triển tốt hơn ra đời. Chi phí để làm game đòi hỏi ngày một nhiều hơn và vì vậy, nhà phát hành buộc phải tìm cách bán được nhiều sản phẩm để bù đắp cho chi phí sản xuất.
Không có gì lạ khi chi phí sản xuất game ngày càng cao. Làm game là khâu quan trọng nhất nhưng không phải là khâu tốn kém nhất. Sở dĩ nói chi phí làm game ngày càng đắt đỏ vì con số này qua mỗi thời chỉ có tăng chứ không giảm. Nếu như thời kỳ PS2, Xbox, Gamecube, chi phí làm game tốn khoảng 3 -5 triệu USD thì đến thời PS3 và Xbox 360, con số này đã xấp xỉ 10 triệu USD. Phần lớn chi phí là để trả công cho lập trình viên, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất và tester. Với đội ngũ khổng lồ và khối lượng công việc tăng theo thời gian, việc chi phí đội giá gấp đôi không có gì lạ. Trong những năm gần đây, thuế đánh vào chi phí phát triển rất thấp, không đáng kể để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Nếu như game được phát triển bởi một công ty không thuộc về nhà phát hành, bên phát hành sẽ phải ứng trước một khoản cho từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra, nhà phát hành còn phải trả tiền bản quyền dựa theo doanh thu ròng sau khi đã trừ các chi phí như thuế, vận chuyển, bảo hành, phí trả lại hàng. Tỉ lệ tiền bản quyền sẽ dao động, nhất là trong tuần đầu và các dịp lễ hay có đợt khuyến mãi hay sự kiện quan trọng. Ước tính tiền bản quyền chiếm từ 10 đến 20% giá đĩa. Vì thế họ cố gắng mua studio riêng để cắt giảm chi phí sản xuất và không phải trả tiền bản quyền. Nếu game từ nước ngoài nhập về (chẳng hạn như game của Nhật hay châu Âu chuyển về Mỹ) sẽ phải tính thuế nhập khẩu, khoảng từ 3.5 đến 5% giá trị sản phẩm.
Nhà phát triển có lợi vì thuế áp cho họ không cao. Bước tiếp theo để game đến tay người chơi là xin cấp phép, cả trả cho sở hữu trí tuệ và cấp phép để được phát hành trên từng loại thiết bị tùy theo hợp đồng với bên thứ nhất. Vì thế mới có chuyện game do chính Sony, Microsoft và Nintendo cung cấp rẻ hơn game của các nhà phát hành khác do bớt được khoản thứ hai. Khoản này có giá trị khá lớn, từ 3 đến 10 USD với mỗi đơn vị sản phẩm.
Khoản phí trả cho sở hữu trí tuệ có thể dùng để nhận lại bản quyền về cốt truyện, âm nhạc, hình ảnh nhân vật hay những thứ có ở ngoài đời thực. Chẳng hạn, Activision phải trả tiền cho Tony Hawk để có thể tái hiện anh trong game, Ubisoft phải trả tiền cho Tom Clancy với mỗi sản phẩm game mang tên ông. Tùy theo thỏa thuận đôi bên mà số tiền này sẽ rất khác. Cũng nhờ các điều luật ngày càng thoáng mà số tiền này dường như không đổi sau thời gian dài khoảng 5 – 10 năm, vì vậy mà giá game cũng không đổi. Đây cũng là cơ hội để các nhà phát hành cố gắng xây dựng game độc quyền cho mình.
Rainbow Six – một ví dụ điển hình của việc trả tiền bản quyền để xây dựng game độc quyền. Marketing là khâu đắt đỏ nhất bởi nó là cả một quá trình kéo dài từ khi game còn đang trong giai đoạn phát triển đến khi chính thức lên kệ. Từng banner trên website, từng bài báo, từng chương mục quảng cáo trên truyền hình hay các phương tiện thông tin đại chúng khác cũng đều là tiền cả. Trước đây, đắt nhất là phí quảng cáo trên TV, ngày nay, khi internet phát triển mạnh mẽ, người ta có thể quảng cáo với nhiều hình thức khác nhau, nhưng tính ra hiệu quả vẫn không thay đổi thậm chí còn cao hơn trước. Ở một vài nơi như các nước Bắc Mỹ không có thuế giá trị gia tăng (VAT), thay vào đó người ta có thuế doanh thu (sales tax) với giá trị xấp xỉ 10% tùy khu vực.
Bước cuối cùng là giao hàng từ nhà phát hành xuống các đại lý bán sỉ, và từ đó phân phối đến đơn vị bán lẻ để tới tay người chơi. Đây chính là bước đội giá game lên để bù lại các chi phí ở trên bởi thông thường với một game 60 USD, người bán lẻ chỉ giữ 1/4 số tiền, nhà phát hành cầm gần một nửa, từ 25 đến 27 USD, người bán sỉ giữ gần 10 USD và tiền cho bên sản xuất console dao động từ 3 đến 10 USD. Tuy nhiên, trong trường hợp không bán được hết game, sản phẩm thừa sẽ phải trả lại cho bên phát hành. Chi phí trả lại này tốn thêm 7 USD nữa. Khoản tiền 25 – 27 USD của nhà phát hành không được để nguyên mà phải chi cho quá trình phát triển, marketing và các chi phí phát sinh khác, cuối cùng giữ lại khoảng 15 – 16 USD.
Những hàng bán lẻ như thế này chỉ thu được 1/4 giá trị mỗi sản phẩm bán ra (khoảng 15 USD). Ở Mỹ, các nhà phát hành còn phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cao ngất ngưởng. Hiệu lực của luật đóng thuế thu nhập doanh nghiệp bắt đầu từ năm 1909, khi đó các doanh nghiệp kinh doanh có tổng thu nhập trên 5.000 USD cùng chịu chung một mức thuế là 1%. Đến năm 1969, mức thuế suất tăng cao đến ngưỡng 52.8%, đồng thời được chia làm 8 mức khác nhau đối với từng mức thu nhập của doanh nghiệp. Theo bảng thống kê 2012 ở trên, doanh nghiệp tại Mỹ có tổng thu nhập chịu thuế trên 18,3 triệu USD thì bắt buộc phải nộp thuế suất 35%, cao nhất trong các quốc gia OECD. Vì lẽ đó, trong lịch sử thuế suất Mỹ, có một câu hỏi vẫn đang tồn tại nhiều năm nay trong hệ thống các doanh nghiệp "Liệu mức thuế thu nhập doanh nghiệp có ảnh hưởng tới nguồn việc làm hay không?" Và câu hỏi này đến nay vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.
Tranh cãi về thuế "tội lỗi" (sin tax) và thuế bảo vệ người tiêu dùng
Vấn đề của game bạo lực từ lâu đã làm đau đầu các nhà quản lý, bởi thế năm 1994 ESRB ra đời, năm 2010 xuất hiện vụ kiện giữa Brown và Hiệp hội Thương gia Giải trí & Thương mại - Entertainment Merchants Association. Các nhà làm luật ở California muốn game bạo lực không còn đất sống, trong khi ESRB thì khăng khăng rằng game cũng là một sản phẩm được bảo hộ. Cuối cùng, dù rất hiểu và ý thức được mong muốn bảo vệ trẻ em khỏi các hình ảnh bạo lực trong game, Tòa án Tối cao vẫn đưa ra kết quả 7 phiếu thuận – 2 phiếu chống với ý kiến cho rằng game cũng là một sản phẩm bảo hộ với mức độ ngang bằng các sản phẩm văn hóa khác như tiểu thuyết, phim ảnh, âm nhạc…, đồng nghĩa với việc từ những game vô hại như Tetris đến những game đầy bạo lực như GTA đều có quyền bảo hộ như nhau dưới ảnh hưởng của Đạo luật Bổ sung Thứ nhất.
Thuế "tội lỗi" cho game – nên hay không? Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là cuộc tranh cãi này đến hồi chấm dứt, mới đầu năm nay các nhà làm luật đưa ra dự thảo về cải cách thuế năm 2014, trong đó yêu cầu đánh thuế mạnh đối với các hãng phát hành game. Dự thảo này gây nhiều tranh cãi không chỉ vì đi ngược lại phán quyết của vụ án bốn năm trước mà còn tước bỏ đi khá nhiều ưu đãi đối với những người làm game. Cụ thể, ngay trang 24 của dự thảo đã tuyên bố "không cấp chính sách tín dụng thuế cho ngành công nghiệp game" và "không cho những nhà phát triển game bạo lực được miễn thuế Nghiên cứu và Phát triển."
Dự thảo này sở dĩ chưa được thông qua và còn gây nhiều tranh cãi bởi người ta đang nghĩ đến hệ quả mà nó có thể gây ra. Trước đây, những loại thuế đánh vào game, bia rượu, thuốc lá... Nói chung được gọi là thuế "tội lỗi". Đánh thuế "tội lỗi" cho game rất đơn giản, nhưng làm gì sau đó mới là quan trọng. Người ta không biết có nên đánh thuế "tội lỗi" cho cả phim của HBO hay không nữa. Vả lại, tiền thuế là của nhà nước, nhưng lại lấy từ doanh nghiệp, mà suy cho cùng, chính người dân mới là người phải chịu tất cả những thứ thuế ấy bởi dịch vụ làm ra là để đáp ứng cho họ.
Ưu đãi cho phát triển game
Ngành công nghiệp game hiện được xem là con gà đẻ trứng vàng. Năm 2006, giá trị của ngành công nghiệp game mới chỉ đạt 30 tỉ USD, 6 năm sau con số này là 67 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng thành 100 tỉ USD trong 3 năm nữa.
Ngành công nghiệp game vẫn là con gà đẻ trứng vàng. Lợi nhuận lớn buộc các nhà quản lý phải có cái nhìn đúng đắn hơn về ngành này. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, Mỹ đã áp dụng chính sách hỗ trợ mới là "tín dụng thuế". Theo đó, Nhà nước cho phép các doanh nghiệp (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất) được giữ lại tiền thuế phải nộp để đầu tư trở lại phát triển sản xuất kinh doanh. Tức là, Nhà nước cho doanh nghiệp vay vốn một cách trực tiếp, không cần tài sản thế chấp, không phải trả lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, giúp doanh nghiệp đầu tư phát triển, phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.
Đối với các nhà phát triển, suốt thời gian dài họ đã quen với cảnh không bị áp thuế. Một trong những đối tượng hưởng ưu đãi ấy chính là các nhà phát triển game. Ngoài ra, họ còn miễn nhiều thứ thuế khác như thuế Nghiên cứu và Phát triển. Tại Anh và Canada, những nước cũng được xem như có nền công nghiệp game phát triển, các chính sách này được áp dụng trong những năm gần đây để khuyến khích các nhà phát triển đầu tư sản xuất. Theo thống kê, ước tính chỉ từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, các nhà phát triển ở Anh đã tiết kiệm được 35 triệu Bảng tiền thuế.
Thuế cho mỗi giao dịch
Nhiều người đặt câu hỏi liệu vai trò của nhà phát hành đã kết thúc khi game đến tay người chơi, nhất là đối với những game miễn phí? Câu trả lời là không bởi họ còn phải kiêm nhiệm luôn cả phần kích hoạt sản phẩm, điều khiển server, thực hiện các giao dịch trong game.
Những giao dịch trong game bằng tiền thật với số lượng nhỏ tùy theo quy định của mỗi ngân hàng quốc tế được gọi là microtransaction. Điều đáng ngạc nhiên là cho dù nguồn lợi mà microtransaction đem lại rất lớn, vẫn chưa có một đạo luật cụ thể nào liên quan đến loại giao dịch này. Rất có thể nó sẽ bị tính vào thuế thu nhập của doanh nghiệp hay cá nhân.
Câu chuyện của Nguyễn Hà Đông là một ví dụ điển hình. Đầu năm 2014, theo tiết lộ của chính tác giả trên trang công nghệ nổi tiếng - The Verge - thì mỗi ngày Nguyễn Hà Đông nhận được khoảng 50.000 USD (ước tính khoảng 1 tỷ đồng) doanh thu quảng cáo từ 2 nhà ứng dụng phát triển trò chơi trên mạng là App Store và Google Play.
Theo tìm hiểu, mức chi trả trung bình của Google cho nhà phát triển thường dao động từ 0,1 USD đến khoảng 7 USD cho mỗi lần click quảng cáo. Điều đó có nghĩa, Nguyễn Hà Đông sẽ thu được khoản tiền này khi người chơi click vào quảng cáo được đính kèm trên chò chơi của mình. Và cha đẻ Flappy Bird đã ít nhất một lần xác nhận trước báo giới rằng anh có thể kiếm được từ 0,2 đến trên 1 USD cho mỗi lần người chơi click quảng cáo (cũng được xem như một hình thức microtransaction). Với mức thu từ 210 tỷ đồng (ước tính) từ quảng cáo một năm, Hà Đông phải chịu mức thuế 35% tương đương với hơn 73 tỷ đồng.